Lịch sử Nauru

Chiến binh người Nauru, 1880
Bài chi tiết: Lịch sử Nauru

Người Micronesia và người Polynesia là những dân tộc đầu tiên sinh sống tại Nauru, ít nhất là từ 3.000 năm trước.[6] Theo truyền thống, có 12 thị tộc hay bộ tộc tại Nauru, được đại diện bằng một sao 12 cánh trên quốc kỳ.[7] Cũng theo truyền thống, người Nauru truy nguồn gốc của họ dựa trên mẫu hệ. Các cư dân trên đảo làm nghề nuôi trồng thủy sản: họ bắt cá ibija còn nhỏ, cho chúng thích nghi với môi trường nước ngọt, và nuôi chúng tại phá Buada, chúng cung cấp cho người dân trên đảo một nguồn thực phẩm ổn định. Trong thành phần bữa ăn của họ có những thứ khác được nuôi trồng tại địa phương như dừa và dứa dại.[8][9] Tên gọi "Nauru" có thể bắt nguồn từ Anáoero, trong tiếng Nauru, có nghĩa là "Tôi đi đến bãi biển".[10]

Năm 1798, thuyền trưởng người Anh John Fearn, một thợ săn cá voi, trở thành người phương Tây đầu tiên đến Nauru, ông đặt tên đảo là "Pleasant". Từ khoảng năm 1830, người Nauru có tiếp xúc với người Âu do các tàu đánh bắt cá voi và các thương nhân bổ sung nguồn dự trữ của họ (đặc biệt là nước ngọt) tại Nauru.[9] Khoảng thời gian này, những người đào tẩu từ các tàu châu Âu bắt đầu đến sống tại đảo. Người dân trên đảo trao đổi thực phẩm lấy rượu dừa và các loại súng cầm tay.[11] Các loại súng cầm tay được sử dụng trong Chiến tranh bộ tộc Nauru bắt đầu từ năm 1878 và kéo dài 10 năm.[12]

Nauru bị Đức thôn tính vào năm 1888 và được hợp nhất vào Lãnh thổ bảo hộ Quần đảo Marshall thuộc Đức.[13] Việc người Đức đến đã kết thúc nội chiến trên đảo, và các vương được đặt làm những người cai trị của đảo. Người được biết đến rộng rãi nhất trong số họ là Vương Auweyida. Các nhà truyền giáo Ki-tô từ quần đảo Gilbert đến Nauru vào năm 1888.[14][15] Những người Đức định cư gọi đảo là Nawodo hoặc Onawero.[16] Người Đức cai trị Nauru trong gần ba thập niên. Robert Rasch là một thương nhân người Đức kết hôn với một phụ nữ Nauru, ông là quản trị viên đầu tiên của đảo, được bổ nhiệm vào năm 1890.[14]

Năm 1900, nhà thăm dò Albert Fuller Ellis phát hiện ra phosphat tại Nauru.[13] Công ty Phosphat Thái Bình Dương bắt đầu khai thác tài nguyên này vào năm 1906 theo thỏa thuận với Đức, xuất khẩu lô hàng phosphat đầu tiên vào năm 1907.[17] Năm 1914, sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, quân Úc chiếm Nauru. Úc, New Zealand và Anh Quốc ký Hiệp định đảo Nauru vào năm 1919, lập ra một ủy ban gọi là Ủy ban Phosphat Anh Quốc, thể chế này tiếp quản quyền khai mỏ phosphat.[18]

Nauru trải qua một đại dịch cúm vào năm 1920, với tỷ lệ tử vong là 18 phần trăm trong số người Nauru bản địa.[19] Năm 1923, Hội Quốc Liên trao cho Úc quyền quản trị ủy thác đối với Nauru, với Anh Quốc và New Zealand là đồng quản trị.[20] Ngày 6 và 7 tháng 12 năm 1940, các tuần dương hạm phụ trợ Komet và Orion của Đức đánh đắm năm tàu tiếp tế tại vùng biển lân cận Nauru. Komet sau đó nã pháo vào các khu vực khai mỏ phosphat, kho chứa dầu, dầm chìa bốc hàng lên tàu trên đảo.[21][22]

Không quân Hoa Kỳ oanh tạc bãi đáp của Nhật Bản tại Nauru[23]

Quân đội Nhật Bản chiếm đóng Nauru vào ngày 25 tháng 8 năm 1942.[22] Người Nhật xây dựng một sân bay, sân bay này bị Đồng Minh oanh tạc lần đầu vào ngày 25 tháng 3 năm 1943 nhằm ngăn chặn cung cấp thực phẩm được chở bằng đường không đến Nauru. Người Nhật trục xuất 1.200 người Nauru đến quần đảo Chuuk làm lao công.[23] Nauru bị quân đội Hoa Kỳ bỏ qua và bỏ lại trong các chiến dịch trên Thái Bình Dương của họ, và cuối cùng được giải phóng vào ngày 13 tháng 9 năm 1945, khi sĩ quan chỉ huy Hisayaki Soeda đầu hàng giao đảo cho quân đội Úc.[24] Các dàn xếp được tiến hành để hồi hương 737 người Nauru còn sống từ Chuuk. Họ trở về Nauru vào tháng 1 năm 1946.[25] Năm 1947, Liên Hiệp Quốc thiết lập một chế độ ủy thác tại Nauru, với Úc, New Zealand, và Anh Quốc là các ủy viên quản trị.[26]

Nauru được tự trị vào tháng 1 năm 1966, và trở thành quốc gia độc lập vào năm 1968 dưới quyền Tổng thống Hammer DeRoburt.[27] Năm 1967, nhân dân Nauru mua lại tài sản của Ủy ban Phosphat Anh Quốc, và vào tháng 6 năm 1970 quyền kiểm soát được chuyển cho Công ty Phosphat Nauru thuộc sở hữu địa phương.[17] Thu nhập từ khai mỏ giúp người Nauru trở thành một trong những nhóm dân cư có mức sống cao nhất tại Thái Bình Dương.[28] Năm 1989, Nauru thực hiện hành động pháp lý chống lại Úc tại Tòa án Công lý Quốc tế về sự quản lý của Úc đối với hòn đảo, cụ thể là thất bại của Úc trong việc khắc phục các tổn hại về môi trường do hoạt động khai mỏ gây ra. Certain Phosphate Lands: Nauru v. Australia dẫn đến một dàn xếp ngoài tòa án nhằm cải tạo các khu vực đã khai thác hết của Nauru.[26][29]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nauru http://166.122.164.43/archive/2000/April/04-03-19.... http://www.smh.com.au/articles/2004/07/08/10890002... http://news.theage.com.au/nauru-hit-by-detention-c... http://www.theage.com.au/articles/2004/04/17/10821... http://www.theage.com.au/news/national/nauru-fears... http://www.austlii.edu.au/au/journals/ComJlLocGov/... http://www.austlii.edu.au/au/legis/cth/consol_act/... http://www.dfat.gov.au/geo/nauru/nauru_brief.html http://www.abc.net.au/news/2012-06-27/asylum-seeke... http://www.abc.net.au/news/ng%C3%A0y